Việt Nam lần đầu tiên tham dự

Hội nghị G7 mở rộng tại Ise-shima, Nhật Bản

 

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 26-28/5/2016 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và tiến hành hội đàm song phương với Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Đây là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng không chỉ nằm trong khuôn khổ quan hệ song phương Việt Nam- Nhật Bản, mà còn có ý nghĩa lan tỏa ở tầm khu vực và quốc tế. 

Trước hết, Hội nghị Thượng đỉnh (HNTĐ) hàng năm của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển gồm Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada, Mỹ, Nhật Bản (G7) là một diễn đàn đa phương có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế. HNTĐ G7 lần này được tổ chức tại Ise-shima, tỉnh Mie của Nhật Bản từ ngày 26~27/5/2016. Đây là HNTĐ lần thứ 42 kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1975 và lần thứ 6 Nhật Bản đăng cai tổ chức. Nhân dịp này, với tư cách là nước chủ nhà, nước Châu Á duy nhất, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mời lãnh đạo 7 nước đại diện ở châu Á và châu Phi (Việt Nam, Lào, Indonesia, Sri Lanca, Bangladesh, Papua New Guinea và Chad) cùng  lãnh đạo 5 tổ chức quốc tế chủ yếu (LHQ, IMF, WB, OECD, ADB) tham dự HNTĐ G7 mở rộng. Để chuẩn bị cho HNTĐ lần này, Nhật Bản đã tổ chức 10 Hội nghị G7 cấp Bộ trưởng về Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp, Năng lượng, Giáo dục, Khoa học công nghệ, Thông tin, Môi trường, Y tế và Giao thông.

Chúng ta đều biết kinh tế thế giới đang có khả năng bước vào giai đoạn trì trệ mới khi tăng trưởng toàn cầu chậm liên tục trong mấy năm qua khiến nhiều nền kinh tế gặp khó khăn. Trong khi đó, căng thẳng địa-chính trị tiếp tục gia tăng, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, nhiều điểm nóng trong khu vực và trên thế giới có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.  Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống như nạn khủng bố, di dân ồ ạt, biến đổi khí hậu… ngày một lan rộng. Trong bối cảnh tình hình nêu trên,  nước chủ nhà Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực, chủ động xây dựng chương trình nghị sự phong phú và thiết thực cho HNTĐ G7 và G7 mở rộng, cụ thể bao gồm các cụm vấn đề sau:

(i) Các vấn đề liên quan đến kinh tế và thương mại toàn cầu: Với tư cách là các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, lãnh đạo các nước G7 cần trao đổi thẳng thắn để thống nhất cùng ứng phó với các vấn đề đang thách thức tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như các nguy cơ như giá dầu giảm mạnh, thương mại quốc tế liên tục suy giảm, thị trường tài chính, chứng khoán nhiều bất ổn…

(ii) Chính sách đối ngoại nhằm mục tiêu bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho khu vực và thế giới, lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị sẽ trao đổi một cách thẳng thắn các vấn đề như chống khủng bố, người tị nạn Trung Đông, tình hình Ucraina, bán đảo Triều Tiên, tình hình biển Đông và biển Hoa Đông. 

Vấn đề an ninh hàng hải lần đầu tiên đã trở thành chủ đề chính trong cuộc họp của Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Lubeck, Đức năm 2015 và các Ngoại trưởng G7 khi đó đã thông qua được một "Tuyên bố về an ninh hàng hải". HNTĐ G7 tại Đức năm đó, vấn đề an ninh hàng hải cũng được ghi một đoạn trong Tuyên bố kết thúc HNTĐ (8/6/2015). Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản tháng 4 năm nay cũng đã ra một Tuyên bố mạnh mẽ về an ninh biển, đặc biệt là ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông.

(iii) Biến đổi khí hậu và năng lượng: nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu sau khi đạt thỏa thuận COP 21 tại Paris tháng 12/2015; an ninh năng lượng trong bối cảnh giá dầu giảm và các bất ổn địa-chính trị hiện nay.

 (iv) Các vấn đề phát triển, đó là việc thúc đẩy chương trình nghị sự 2030 hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); hỗ trợ châu Phi trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị chủ trì Hội nghị Tokyo về phát triển Châu Phi (TICAD VI) tại Kenya tháng 8/2016. 

(v) Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao: Đây là lĩnh vực ưu tiên đặc biệt của Nhật Bản. Trong nhiều năm, Nhật Bản đã đã quan tâm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao không chỉ ở Châu Á mà còn trên thế giới với ưu thế vượt trội. Thủ tướng Abe tháng 5/2015 cũng đã đưa ra sáng kiến Đối tác vì cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Hội nghị lần này sẽ thảo luận về sự đóng góp và tham gia của G7 trong lĩnh vực này.

(vi) Y tế: Hội nghị sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường đối phó với các tình huống khẩn cấp như việc bùng phát dịch bệnh toàn cầu Ebola vừa qua; cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trọn đời, các vấn đề y tế cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, già hóa, mục tiêu bảo hiểm y tế phổ cập…

(vii) Thu hút lao động nữ: Đây là một trong những đột phá chính sách của Chính phủ Nhật Bản hướng tới một xã hội tất cả phụ nữ tham gia tích cực. Là một phần trong sáng kiến này, từ năm 2014 Nhật Bản đã đăng cai tổ chức Hội nghị thế giới vì phụ nữ (WAW). Các nội dung thảo luận dự kiến gồm vấn đề tăng cường năng lực thông qua giáo dục, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trên phạm vi toàn cầu.

Chương trình nghị sự gồm 7 nhóm vấn đề nêu trên về cơ bản phù hợp với quan tâm chung của các nước. Với đồng thuận cao của các nước tham dự G7 và G7 mở rộng về chương trình nghị sự, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng các nước đến tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng lần này tại Nhật Bản sẽ có các tiếng nói và hành động thiết thực, đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên toàn thế giới.

Riêng đối với Nhật Bản, Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng tại Ise-shima là các hoạt động ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2016 nhằm triển khai chiến lược ngoại giao toàn cầu của Chính phủ Nhật Bản. Là nước chủ nhà, Nhật Bản đã và đang nỗ lực hết mình để đảm bảo thành công cho Hội nghị, thể hiện vai trò có trách nhiệm của Nhật Bản đối với các vấn đề của khu vực và thế giới. Việt Nam chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực đó của Nhật Bản.

Thứ hai, về sự tham gia của Việt Nam:

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trong bức thư mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định trong 10 năm qua, “Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế trong cộng đồng quốc tế” và Hội nghị mở rộng lần này sẽ là dịp để Việt Nam “một lần nữa khẳng định vai trò với cộng đồng quốc tế và góp phần củng cố sự liên kết giữa hai nước trong cộng đồng quốc tế”.

Việt Nam đánh giá cao lời mời của Chính phủ Nhật Bản, coi đây là sự ghi nhận của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế đối với vai trò và vị trí ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia nhiều liên kết kinh tế quốc tế và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Những nội dung chính của Hội nghị G7 và G7 mở rộng cơ bản phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam.  Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ các đề xuất của Nhật Bản và sẽ đóng góp có trách nhiệm vào các nội dung thảo luận tại Hội nghị, nhất là các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển  của khu vực và thế giới. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến mà Thủ tướng Shinzo Abe đã nêu về “quan hệ đối tác  cơ sở hạ tầng chất lượng cao” và “kết nối Mê Công – Nhật Bản”. Việt Nam cũng chia sẻ quan ngại chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trước các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa ở biển Đông, đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các nước G7 và G7 mở rộng, các tổ chức quốc tế hàng đầu trong khu vực và thế giới để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm trong quan hệ song phương của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan. Đồng thời, đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò và tiếng nói có trách nhiệm của mình đối với các vấn đề chung của khu vực, của nhân loại.

Thứ ba, xét trên khía cạnh quan hệ song phương với Nhật Bản, chuyến thăm làm việc Nhật Bản lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau hơn 1 tháng đảm nhiệm chức vụ đứng đầu Chính phủ là minh chứng mới cho mối quan hệ đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Còn nhớ, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã từng chọn thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng 1/2013 sau khi trở lại nắm quyền.

Tiếp sau chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 9/2015, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ ta  nhằm duy trì đà tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam đi thăm Nhật Bản sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được kiện toàn tại kỳ họp Quốc hội vào tháng trước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiến hành hội đàm song phương với Thủ tướng Shinzo Abe để trao đổi về những định hướng lớn cho quan hệ hai nước Việt Nam- Nhật Bản tiếp tục đà phát triển sâu rộng và hiệu quả hiện nay. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản nhằm khẳng định đường lối hội nhập và phát triển của Việt Nam và chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam. 

Xin chúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng thành công tốt đẹp. 

Chúc Hội đàm cấp cao Việt-Nhật đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á.

Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản