Sáng 30/5, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 do Tập đoàn Nikkei Inc. tổ chức, đã khai mạc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản với chủ đề “Đi tìm trật tự toàn cầu mới -Vượt qua bất ổn”.
Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của nhiều nước châu Á, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Campuchia Samdec Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Gombojav Zandanshatar, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat, cùng lãnh đạo nhiều viện nghiên cứu, tập đoàn lớn trên thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự sự kiện.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy hòa bình, ổn định, vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu. Với quan điểm như vậy, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25
Với chủ trương hội nhập quốc tế, động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có độ mở lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt gần 7,1%, vào mức cao nhất trên thế giới; tổng kim ngạch thương mại đạt 485 tỷ USD, tương đương 200% GDP. Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại những kết quả tích cực. Theo Ngân hàng thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 xếp thứ 69/190 quốc gia. Xếp hạng năng lực cạnh tranh đạt mức 77/140 theo Diễn đàn kinh tế thế giới và chỉ số sáng tạo đạt mức 45/127 theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Các con số này đã phần nào thể hiện lòng tin và sự hưởng ứng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.
Việt Nam cũng là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với toàn bộ nhóm G7 và 16/20 nước G20. Đây đều là các đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam, chỉ tính riêng G7 chiếm gần 27% tổng vốn đầu tư nước ngoài; chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại 2017 và đang có mức tăng bình quân 10-12%/năm. Việt Nam đang thuộc nhóm nước dẫn đầu ASEAN về số lượng các Hiệp định thương mại tự do đã triển khai và đang được đàm phán.
Đánh giá về quan hệ hợp tác Việt - Nhật, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, lâu dài và quan trọng hàng đầu. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất, là đối tác lớn thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác lớn thứ tư về thương mại.
Bên cạnh đó, hợp tác về lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp cũng phát triển nhanh chóng và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó đa số là các bạn trẻ lưu học sinh, thực tập sinh, góp phần là cầu nối, giúp cho quan hệ hai nước phát triển bền vững, lâu dài trong tương lai.
Phó Thủ tướng tin tưởng, hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Với tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 6% duy trì trong suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam đang trở thành một thị trường tiêu dùng quan trọng của khu vực, hứa hẹn một thị trường tiềm năng cho các hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam cam kết luôn duy trì ổn định về an ninh chính trị, kinh tế vĩ mô và chính sách. Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch và rõ ràng; cải thiện khâu thực thi pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và tăng cường đối thoại với nhà đầu tư.
Với doanh nghiệp Nhật Bản, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đối thoại chính sách thông qua Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, đối thoại chính sách Keidanren, Japan Desk. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, logistics và công nghiệp phụ trợ"./.
Liên hệ ĐSQ
Địa chỉ : Tokyo, 151-0062, Shibuya-ku, Motoyoyogi-cho, 50-11
Điện thoại:
- (813) 3466-3311
- (813) 3466-3313
- (813) 3466-3314
Fax:
- (813) 3466-7652
- (813) 3466-3312
Email:
- Thông tin chung
vietnamembassy-japan@vnembassy.jp
- Thủ tục lãnh sự
vnconsular@vnembassy.jp
- Hộp thư Bảo hộ Công dân
baohocongdan@vnembassy.jp