Ngày 2/6, trong khuôn khổ Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Nhật Bản, Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư và quảng bá địa phương Việt Nam” đã diễn ra tại thành phố Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của hơn 400 đại biểu.
Về phía Việt Nam, có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; lãnh đạo và đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp bốn địa phương Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum và Thừa Thiên Huế.
Về phía Nhật Bản, có ông Yoichiro Aoyagi, Hạ nghị sỹ Nhật Bản, đồng Chủ tịch Ban tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Tokyo; ông Tsukada Manabu, Giám đốc cấp cao về Chiến lược toàn cầu (khu vực Đông Nam Á), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO); ông Tamura Satoru, Giám đốc Văn phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Quan hệ kinh tế công nghiệp tỉnh Gunma; ông Matsuzawa Ken, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến ngoại giao nhân dân cùng gần 350 đại diện các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển ở mức tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm với ý nghĩa và tầm quan trọng của Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Giao lưu, hợp tác giữa các địa phương thời gian qua phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành điểm sáng trong quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa hai nước. Hiện có hơn 90 cặp quan hệ cấp địa phương giữa Việt Nam Nhật Bản đã được thiết lập với hơn 100 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân đã được ký kết. Với phương châm lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam-Nhật Bản nói chung và giữa các địa phương Việt Nam-Nhật Bản nói riêng, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối để hỗ trợ các địa phương Việt Nam kết nối với các địa phương Nhật Bản; chủ động, tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư chất lượng cao; sẵn sàng phát huy “vai trò tiên phong” trong huy động các nguồn lực bên ngoài, gắn kết với nguồn lực bên trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Tọa đàm ngày hôm nay sẽ mở ra những cơ hội, thời cơ hợp tác mới, đóng góp vào mục tiêu phát triển, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác Nhật Bản nói riêng và quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung.
Ông Tsukada Manabu, Giám đốc cấp cao về Chiến lược toàn cầu (khu vực Đông Nam Á), JETRO giới thiệu về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Trong đó, ông Tsukada Manabu đặc biệt nhấn mạnh, theo như kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022 của JETRO, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN, cao hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (40,3%), Indonesia (47,8%) hay Myanmar (11,7%). Về kết quả kinh doanh, trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là 59,5% (tăng 5,2% so với năm trước), tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8% (giảm 7,8%). Bên cạnh những đánh giá lạc quan, tích cực, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phản ánh môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính; hệ thống thuế, thủ tục thuế; thực trạng hoàn thiện hệ thống pháp luật; thủ tục visa, cấp phép lao động….
Đại diện của JETRO cũng đưa ra các khuyến nghị, lưu ý đối với các địa phương Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum và Thừa Thiên Huế trong thu hút đầu tư Nhật Bản. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, chi phí sản xuất thấp không còn là lợi thế chính của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính như cải thiện thủ tục hành chính và đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là yếu tố quyết định mức độ thu hút dòng vốn ngoại FDI đầu tư tại Việt Nam.
Ông Tamura Satoru, Giám đốc Văn phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Quan hệ kinh tế công nghiệp tỉnh Gunma, đại diện cho các địa phương Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt là mối quan hệ hữu nghị hợp tác kinh tế giữa tỉnh Gunma và các địa phương của Việt Nam. Các doanh nghiệp tỉnh Gunma rất quan tâm việc triển khai đầu tư tại Việt Nam và trong thời gian tới sẽ tổ chức các chuyến thăm và đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo....
Tại Tọa đàm, Lãnh đạo các địa phương Việt Nam đã giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh và những dự án trọng tâm hướng tới các đối tác Nhật Bản trong các lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản, xử lý rác thải/nước thải, năng lượng tái tạo, giáo dục-đào tạo, xuất khẩu lao động, du lịch..., đồng thời tiến hành nhiều cuộc làm việc kết nối, trao đổi với các doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản, đạt nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Trên tinh thần hữu nghị và những tiềm năng hợp tác giữa các bên, các địa phương Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum và Thừa Thiên Huế bày tỏ mong muốn có dịp được đón tiếp Lãnh đạo, đại diện các cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, bà Hoàng Thị Thùy Vy, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Vinhomes Việt Nam cho rằng, đối với Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hướng tới phát triển bền vững. Vinhomes đã nắm bắt rất nhanh và từ rất sớm đã học hỏi, tổ chức vận hành ứng dụng theo mô hình đô thị thông minh trên thế giới như ở các quốc gia Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vinhomes đưa ra tầm nhìn về một mô hình khu đô thị mới được phát triển dành riêng cho các đối tác Nhật Bản là các chuyên gia, nhà khoa học sinh sống và làm việc tại Việt Nam, dựa trên hệ sinh thái thông minh với 4 trục cốt lõi, gồm: an ninh thông minh (Smart Security), quản lý vận hành thông minh (Smart Management), cộng đồng thông minh (Smart Community), nhà thông minh (Smart Home).
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Hiệu khẳng định, Tọa đàm đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo đúng kế hoạch với chất lượng trao đổi và chuyên môn cao. Tọa đàm đã giúp các đại biểu hai nước hiểu rõ hơn về tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư của các địa phương Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum và Thừa Thiên Huế cũng như các nhu cầu, khuyến nghị từ các đối tác Nhật Bản. Đại sứ hy vọng rằng sau Tọa đàm sẽ có nhiều hoạt động kết nối, gặp gỡ để tìm hiểu sâu hơn nữa các nội dung mà các bên đang quan tâm; cụ thể hóa bằng các Biên bản ghi nhớ và hợp đồng ký kết trong thời gian tới. Kết quả Tọa đàm sẽ là tiền đề để Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức những chương trình hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm, đã diễn ra Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Okura Industrial, Nhật Bản của tỉnh Thừa Thiên Huế và Lễ trao hợp đồng thuê lại đất ký kết giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Huế và Công ty Okura Industrial.
Trước đó, Đại sứ quán đã kết nối các địa phương nói trên với tỉnh Kanagawa và Gunma, Nhật Bản.
Liên hệ ĐSQ
Địa chỉ : Tokyo, 151-0062, Shibuya-ku, Motoyoyogi-cho, 50-11
Điện thoại:
- (813) 3466-3311
- (813) 3466-3313
- (813) 3466-3314
Fax:
- (813) 3466-7652
- (813) 3466-3312
Email:
- Thông tin chung
vietnamembassy-japan@vnembassy.jp
- Thủ tục lãnh sự
vnconsular@vnembassy.jp
- Hộp thư Bảo hộ Công dân
baohocongdan@vnembassy.jp