Lịch sử 42 năm, lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Điều đó thể hiện các thành viên G7, đặc biệt là Nhật Bản, đánh giá cao thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này còn có Lãnh đạo các nước G7, các khách mời là Lãnh đạo các nước Indonesia, Lào, Cộng hòa Chad, Bangladesh, Papua New Guinea, Sri Lanka, các tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới và khu vực gồm Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tập trung thảo luận về 5 nhóm vấn đề cơ bản, gồm: Cơ sở hạ tầng chất lượng cao; Thiên tai, hạn hán; An ninh khu vực; Các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề phụ nữ và y tế; và Hợp tác với châu Phi.
Tại Hội nghị, thảo luận về chủ đề Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á, các đại biểu đã lắng nghe phát biểu của 4 diễn giả đặc biệt là Thủ tướng Lào, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Sri Lanka.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á. Với quyết định này, sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao không chỉ hỗ trợ các nước phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà còn bao gồm cả lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời phạm vi hỗ trợ còn mở ra cho các khu vực khác ngoài châu Á.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đặc biệt là tác động của hạn hán, mặn xâm nhập tại Đồng bằng sông Cửu Long đối với đời sống của người dân, đồng thời làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam, khu vực và thế giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng cũng cám ơn các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB đã hỗ trợ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông và thông qua Uỷ hội Mê Kông quốc tế kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mê Kông tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực và hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nước kém phát triển hơn nhằm duy trì tăng trưởng, trong đó có các sáng kiến mới trong các lĩnh vực quan trọng như đảm bảo hoà bình, ổn định và phát triển ở Trung Đông, chăm sóc y tế, bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ; những chương trình hỗ trợ châu Phi trong đó có khuôn khổ Hội nghị cấp cao Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD).
Thủ tướng chia sẻ rằng, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm và nguồn lực khiêm tốn của mình, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp cho hoà bình và phát triển của khu vực và thế giới. Các nỗ lực đó bao gồm tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc và đặc biệt là triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác song phương Việt Nam – châu Phi và hợp tác ba bên Việt Nam, châu Phi và đối tác tài trợ (Nhật Bản hoặc FAO).
Thủ tướng cũng chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về các thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nước G7, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Bangladesh và các nước và tổ chức quốc tế khách mời kêu gọi tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối và cuối cùng là tăng cường xây dựng lòng tin nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới, trong đó có an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tiếp sau đó, các nhà Lãnh đạo thế giới lắng nghe phát biểu của Tổng thống Cộng hòa Chad và Thủ tướng Papua New Guinea và thảo luận về các vấn đề phát triển bền vững. Tại phần thảo luận này, các nước đều đánh giá cao các thoả thuận quốc tế đã đạt được như Chương trình nghị sự 2030 và COP 21, chia sẻ các kinh nghiệm và nhu cầu hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hoan nghênh các sáng kiến y tế mà Nhật Bản thúc đẩy như chương trình tăng cường ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp, đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân, vấn đề kháng kháng sinh cũng như tăng cường vai trò của phụ nữ trong chính trị, kinh tế và xã hội./.
Chiều 26/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay Chubu-Nagoya, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.
Ngay sau đó, tại Nagoya, tỉnh Aichi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự buổi Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề: “Việt Nam hội nhập và phát triển”.
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chiều 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Sri Lanka, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon (ảnh),Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức OECD và Lãnh đạo tỉnh Aichi cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại cuộc tiếp bà Christine Largrade, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, tổ chức tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Tại hội nghị, thảo luận về chủ đề Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á, các đại biểu đã lắng nghe phát biểu của 4 diễn giả đặc biệt là Thủ tướng Lào, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Sri Lanka.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về các thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chiều 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp (ảnh), Thủ tướng Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh), Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Sáng 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản, ông Takehiko Kakiuchi.
Ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự.
Sau lễ đón, hai Thủ tướng tiến hành hội đàm. Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các Bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 5 văn kiện ký kết, trong đó có 4 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ yên (tương đương 1,5 tỷ USD).
Kết thúc buổi lễ trao văn kiện, hai Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả cuộc hội đàm.
Thủ tướng cho biết: "Tôi và Ngài Thủ tướng vừa có cuộc hội đàm rất thành công, đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới".
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Lãnh đạo một số cơ quan tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản như Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shinichi Kitaoka, Chủ tịch danh dự Tập đoành Mitsubishi Kojima Yorihiko, Thống đốc tỉnh Aichi Hideaki Omura, đi thăm nông trại Yokoyama, tại thị trấn Toyoake, tỉnh Aichi (ảnh).
Tối 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Tokyo về Hà Nội. Với hơn 19 cuộc hội kiến, hội đàm, gặp gỡ, đối thoại, phát biểu trên diễn đàn đa phương và song phương dày đặc trong 3 ngày (26-28/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn không phai trên xứ sở hoa anh đào khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm làm việc tại Nhật Bản.
Liên hệ ĐSQ
Địa chỉ : Tokyo, 151-0062, Shibuya-ku, Motoyoyogi-cho, 50-11
Điện thoại:
- (813) 3466-3311
- (813) 3466-3313
- (813) 3466-3314
Fax:
- (813) 3466-7652
- (813) 3466-3312
Email:
- Thông tin chung
vietnamembassy-japan@vnembassy.jp
- Thủ tục lãnh sự
vnconsular@vnembassy.jp
- Hộp thư Bảo hộ Công dân
baohocongdan@vnembassy.jp